Búp bê Daruma - một biểu tượng may mắn phổ biến thứ hai ở Nhật Bản, sau Chú Mèo Thần Tài Maneki Neko, là một trong những món quà nhỏ xinh xắn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mà người Nhật thường tặng nhau trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật .
Xuất hiện từ 200 năm trước vào khoảng thời kỳ Edo (1603 – 1867), búp bê với tên gọi từ Phật giáo, được phiên âm từ chữ Dharma trong tiếng Phạn, phiên âm tiếng Hán là “Đạt Ma” – tên giản lược của Bồ Đề Đạt Ma – vị khai tổ Phật học và Thiền tông Trung Hoa.
Thoạt đầu nhìn, nhiều người sẽ nghĩ Daruma là một dạng búp bê gỗ. Tuy nhiên sự thật Daruma lại được làm từ một loại giấy truyền thống của Nhật gọi là giấy bồi.
Người thợ thủ công sẽ dán từng lớp giấy bồi lên khung có sẵn và tạo hình theo ý muốn, sau đó họ sẽ sơn và vẽ hoa văn trang trí lên.
Kích thước của Daruma cũng không đồng nhất, mà phụ thuộc vào vùng miền và chủ ý của người thợ.
Mỗi Daruma phải trải qua 16 công đoạn mới được hoàn thành. Trung bình một người thợ thủ công lành nghề có thể sản xuất ra hơn 10.000 con búp bê một năm.
Búp bê Daruma có hình tròn, rỗng, đáy nặng. Tư thế ngồi thiền, hai chân bắt chéo lên nhau, hai tay xếp sát vào thân và vì thế búp bê Daruma này làm theo dáng người ngồi tham thiền không có chân tay, chi tiết này còn biến tấu cho đến hầu như chỉ còn lại hình đầu người.
Trọng tâm của búp bê nằm ở dưới đế, phần đế được chế tạo nặng hơn phần trên, mặc dù đế không có dạng tròn nhưng không bao giờ bị ngã, người Việt mình hay gọi loại búp bê này là lật đật, thể hiện tinh thần kiên cường, không gục ngã của người Nhật, dù cho có vấp ngã, họ vẫn sẽ đứng dậy và đối diện với thử thách để thành công.
Mỗi màu sắc của Daruma mang một ý nghĩa, chẳng hạn màu đỏ tượng trưng cho tiền tài, phú quý, màu vàng là bội thu, để cầu duyên hoặc chúc phúc người ta sẽ chọn màu hồng. Trước bụng được viết chữ phước (福), cự phước (巨福), phước nhập (福入), v.v… bằng nhũ vàng ngụ ý như một lời cầu mong an lành, một lá bùa may mắn.
Daruma có mày, râu, ria, mũi, miệng và hai mắt to tròn trắng, và đặc biệt, những Daruma cầu may thì mắt chỉ toàn tròng trắng mà không vẽ con ngươi. Những ai mới biết Daruma sẽ không tránh khỏi cảm giác sờ sợ khi nhìn thấy gương mặt dữ tợn của những chú lật đật này. Bởi trên nền màu sắc rực rỡ là gương mặt với đôi lông mày xếch lên, đầy đủ mũi, ria mép, miệng nhưng đôi mắt luôn chỉ luôn có tròng trắng mà thôi.
Đôi mắt của Daruma không có lòng đen, chính là để khi chủ nhân của Daruma có một mục tiêu, sẽ vẽ thêm lòng đen cho một bên mắt bằng bút lông. Đến cuối năm, nếu mục tiêu đạt được, một bên mắt nữa sẽ được hoàn thành, lúc này, những chú lật đật Daruma với đôi mắt hoàn thiện sẽ được tập trung lại và đốt tại chùa .
Đó là một hình thức bày tỏ lòng thành kính đối với thần linh khi chủ nhân của Daruma đã giữ đúng lời hứa và hoàn thành mục tiêu bản thân đã đề ra. Những thành viên Daruma chưa hoàn thiện đôi mắt vẫn sẽ được tập trung lại chùa, sau đó chủ nhân sẽ thỉnh một chú lật đật Daruma mới và tiếp tục gửi vào đó lòng quyết tâm gấp bội để đạt được thành công như mong muốn.
Chính vì vậy, khi mua hoặc được tặng một Daruma, người Nhật sẽ đặt ra một mục tiêu về công việc, tình yêu, học tập… gửi gắm vào, từ đó, động lực thực hiện cũng sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Mỗi năm một lần, Búp bê Daruma được bán vào dịp tết ở trong chùa hoặc các hội chợ gần chùa. Người ta mua cho cá nhân hoặc công sở với nhiều mục đích khác nhau như cầu thi cử đỗ đạt, đắc cử chức vụ hay làm ăn phát tài, v.v...
Những ngày đầu tháng giêng, có nơi lấy ngày mùng 6 và mùng 7 như ngày truyền thống, thành phố đón xuân bằng hội chợ Daruma, các ngôi chùa Nhật Bản mà đặc biệt là chùa Daruma-ji (達磨寺) và những ngôi chùa khác tại thành phố Takasaki thuộc miền trung nước Nhật có tổ chức hội chợ thu hút người dân từ khắp nơi, cả cá nhân và tập thể đều đến chùa cầu may và mua búp bê Daruma mang về.
Takasaki được biết đến là quê hương của búp bê Daruma. Mỗi năm, riêng tại đây có thể sản xuất ra hơn 1.700.000 con búp bê với sự làm việc miệt mài của hơn 80 thợ thủ công lành nghề. Chợ ngoài trời Daruma ở Takasaki tổ chức vào ngày 6-7/1 hàng năm được coi là dịp lễ hội lớn quy tụ đông đảo người dân Nhật cũng như du khách quốc tế. Tại chợ có khoảng 100 gian hàng bày bán búp bê phục vụ những du khách tới cầu nguyện tại đền Shorinzan “Daruma” và các quầy hàng chỉ đóng cửa vào lúc nửa đêm.
Ngoài Takasaki ra, vùng Koshigaya và đền Katsuo-ji ở thành phố Mino phía bắc Osaka, bạn đều có thể bắt gặp các daruma ở khắp mọi nơi trong đền.